Làm sao để đối diện với cơn giận dữ khi dạy con học? 

Khi đọc tựa đề bài viết này, chắc hẳn bố mẹ đã tưởng tượng ra chính mình trong hoàn cảnh đó phải không nào? Nhiều bậc phụ huynh chia sẻ với Dinomath rằng họ thiếu sự kiên nhẫn, cảm thấy bực mình khi dạy con mãi một công thức, bài toán mà con không hiểu, không nhớ.  

Vậy làm sao để đối mặt với cơn giận dữ? Đừng lo lắng, hôm nay, Dinomath sẽ chia sẻ với bố mẹ một số cách nhé! 

  1. Đối mặt với cơn giận 

Khi cơn giận đến, đừng trốn tránh hay cố gắng che giấu nó. Hãy dành ít nhất 10 phút cho riêng mình để thả lỏng tâm trí và thở thật sâu. Cảm nhận những cảm xúc đang hiện diện trong lòng. Việc cho bản thân một khoảng thời gian nhất định sẽ giúp ba mẹ bình tĩnh hơn. 

  1. Tìm nguồn gốc của cơn giận 

Hãy suy nghĩ về nguồn gốc của cơn giận. Liệu nó có phải do các yếu tố đến từ bên ngoài như: áp lực công việc, việc nhà, các mối quan hệ,...? Hay bạn chỉ đang tức giận vì con không tiếp thu nhanh như bạn mong muốn?. 

Nếu nguyên nhân đến từ bên ngoài, hãy giải quyết nó trước khi bắt đầu ngồi vào bàn dạy con. Và đừng để trẻ trở thành “nạn nhân” của những cảm xúc tiêu cực mà bạn mang tới.   

Nếu cơn giận xuất phát từ việc giảng dạy kiến thức mà con chưa hiểu, hãy chấp nhận điều đó một cách vui vẻ. Bởi mỗi đứa trẻ có cách tiếp thu riêng và đôi khi chúng cần những phương pháp truyền tải dễ hiểu, gần gũi hơn.  

Bản chất cơn Giận này đến từ sự kì vọng của bạn vào con. Bạn mong nhiều hơn thế nhưng vì con chưa đạt được ngưỡng bạn đề ra, nên bạn nổi giận. Vấn đề lúc này là của bạn, không phải của con. Chúng ta mãi mãi sẽ không bao giờ đạt được đúng như kì vọng của người khác. Và cũng không sống để hoàn thành kì vọng của ai. Vậy đừng áp đặt điều đó lên con. 

  1. Giải quyết cơn giận  

Nếu cơn giận xuất phát từ căng thẳng trong cuộc sống và những áp lực hàng ngày, hãy dành thời gian để thư giãn và làm mới bản thân. Nếu bạn đã tập Thiền, hãy duy trì thực hiện nó. Nếu chưa, hãy bắt đầu bằng cách mỗi ngày dành ít nhất 10 phút để thả lỏng tâm trí, tận hưởng khoảnh khắc yên bình. Trong quá trình này, bạn sẽ cảm nhận được sự thay đổi tích cực trong tâm trạng cũng như tinh thần của mình. 

  1. Thay đổi quan điểm - Nhìn từ góc độ tích cực 

Thay vì tập trung vào những điều không tốt, hãy chuyển hướng quan điểm và nhìn vào những khía cạnh tích cực. Hãy nhớ rằng mục tiêu của việc dạy con không chỉ là để con thuộc lòng kiến thức, mà còn để con phát triển những kỹ năng sống quan trọng. Hãy đánh giá những tiến bộ mà trẻ đạt được và tập trung vào việc xây dựng mối quan hệ yêu thương để hiểu con hơn. 

Việc giận dữ khi dạy con học là một tâm lý bình thường. Quan trọng nhất là chúng ta cần học cách đối mặt và xử lý cơn giận một cách lành mạnh. Hãy trân trọng quá trình dạy học và tận hưởng những khoảnh khắc đáng quý bên con. Chúc bạn thành công và hạnh phúc trong việc dạy dỗ con cái!